Chẳng tình yêu nào sánh được với tình mẫu tử và ở thế giới động vật cũng không là ngoại lệ. Xin kể về 10 “bà mẹ” hết lòng hy sinh vì con. 1. Voi
Voi cái là những bà mẹ “mang nặng đẻ đau” nhất trong thế giới động vật, bởi khi vừa ra đời voi con đã nặng xấp xỉ một tạ. Voi mẹ cũng giành luôn một giải về thời gian mang thai kéo dài 22 tháng trời. Voi con sinh ra chưa mở mắt, phải dùng vòi để cảm nhận và khám phá thế giới. Nó thật may mắn vì chẳng những được mẹ chăm sóc và bảo vệ hết mình mà còn có bà nội bà ngoại, có các cô, các dì, các chị … sẵn sàng giúp đỡ, trông nom.
2. Gấu túi
Chẳng loài vật nào tranh chấp thức ăn với gấu túi vì cả đời nó chỉ ăn một món duy nhất là những chiếc lá bạch đàn chứa tinh dầu vừa đắng vừa cay vừa độc. Có những vi khuẩn đặc biệt túc trực sẵn trong hệ tiêu hoá, giải độc cho chúng. Gấu túi con khi ra đời cực kỳ yếu ớt: không tai, không mắt, không lông. Gấu túi mẹ chăm sóc con từng li từng tí, bao bọc con trong chiếc túi trước bụng trong 6 tháng liền, nuôi con bằng sữa cho đến khi hoàn thiện những bộ phận trên cơ thể. Lớn lên chút nữa, khi có thể bò ra khỏi túi, gấu con lại được gấu mẹ nuôi bằng chính… phân của mình. Song dù tận tụy như thế, lúc nào gấu mẹ cũng nhắm mắt lơ tơ mơ. Bởi 90% thời gian trong ngày - tức 22/24 giờ - nó
dành để… ngủ.
3. Cá sấu
Cá sấu cái là một bà bầu “xanh nhất” trong việc ấp trứng mà không làm hại tầng ozon. Ổ đẻ trứng của nó chất đầy lá mục, khi lên men tự sinh nhiệt nên cá sấu mẹ không cần nằm đè lên trứng để ấp. Các nhà khoa học đã giấu vào các ổ trứng chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ theo dõi từ xa trong suốt 2 tháng từ khi trứng được đẻ ra cho đến khi nở và phát hiện một điều thú vị: Nhiệt độ mới chính là yếu tố xác định giới tính cá sấu con. Nếu nhiệt độ dưới 88 độ F, trứng nở ra “công chúa” và từ 89 đến 91 độ F, nở thành “hoàng tử”. Bà mẹ dùng cặp hàm lởm chởm những răng là răng bảo vệ con thì ai còn dám đụng đến. Bà mang chúng xuống nước nuôi dạy. Chúng tập săn mồi: cá, côn trùng, và nghêu sò ốc hến.
4. Gấu trắng
Gấu trắng đực là những gã bạc tình. Sau một lần ân ái, chúng bỏ gấu cái đi biệt tích chẳng đoái hoài gì đến cô vợ bắt đầu mang bầu. Cô nàng biết thân, cố ăn thật nhiều để tăng trọng, tích luỹ thịt và mỡ cho đứa con tương lai với “chuẩn” là cân nặng cả mẹ lẫn con ít ra 200kg. Thế nhưng khi không kiếm đủ lương thực, gấu trắng cái lại trích những thứ đã tích trong bào thai ra để nuôi cơ thể của mình. Thật là chuyện viễn tưởng có thật. Sau đó, gấu cái đào một cái hang trong băng tuyết để trú đông. Nó không ăn uống trong 2 tháng và ngủ, chỉ thức dậy để đẻ rồi ngủ tiếp. Gấu con mới sinh chưa mở mắt và không có răng, nằm bên mẹ bú và cũng ngủ tít mà lớn lên.
Hết mùa đông, mẹ con thức dậy ra khỏi hang đi kiếm ăn…
5. Báo hoa mai
Kiên nhẫn là một đức tính tốt, đặc biệt là trường hợp báo hoa mai cái trở thành báo mẹ. Bởi bà mẹ có bộ lông đẹp tuyệt vời này nhiều khi sinh ra đến 6 đứa con mà lũ con lại thiếu những bản năng sinh tồn. Chúng hoàn toàn dựa dẫm vào mẹ. Vậy là báo mẹ phải dạy chúng từng động tác để săn mồi, từng miếng võ để tự vệ. Cuộc dạy dỗ kéo dài không dưới 2 năm. Khi con đã trưởng thành, báo mẹ từ giã đàn con, đi "cặp bồ" để tìm hạnh phúc riêng trong một gia đình mới. Bầy báo con ở lại sống cùng nhau. Thế nhưng các cậu thì trung thành ở lại bầy. Còn các cô, sáu tháng sau lại bỏ bầy ra đi “theo tiếng gọi của tình yêu”. Hình như giống cái không chịu được sự cô đơn thì phải.
6. Rận biển
Rận biển thuộc loài giáp xác sống dưới nước. Rận cái bị rận đực tán tỉnh rồi dụ dỗ vào một hang sâu để xây tổ ấm. Nàng thuận tình, nhưng vừa vào trong thì - ngạc nhiên chưa! – đó là một hậu cung của gã sở khanh đã có sẵn 25 nàng khác bụng mang dạ chửa ở sẵn trong đó chờ ngày sinh đẻ. Nhưng điều tồi tệ ở chỗ này cơ: lũ rận con nở trong bụng rận mẹ sẽ tìm lối ra ngoài bằng cách ăn thịt chính mẹ của chúng. Cho nên, mới có nhà thơ ca ngợi rận mẹ là hy sinh cả bản thân mình để đàn con được sống.
7. Đười ươi
Đười ươi cái thật thông minh và rất có ý thức tự lập. Hầu như cả đời chúng sống ở trên cây. Mỗi ngày chúng lại làm cho mình một chiếc “tổ” mới bằng cành và lá cây, nghĩa là trong đời chúng đã cần cù xây đến 30.000 chiếc “tổ”. Chúng cũng chẳng bao giờ đặt con xuống mà đeo con trên lưng khi con còn nhỏ. Chúng nuôi con ròng rã suốt 6-7 năm trời. Đó là loài nuôi con lâu nhất trong tất cả các loài trên Trái đất. Đười ươi đực sau chuyện cặp kè, mất hút luôn, chẳng để ý gì đến con cái. Và bọn đười ươi đực vừa lớn lên cũng thế. Khi gặp cô bạn gái vừa mắt, chúng rời bỏ mẹ liền, trong khi đười ươi cái con ở lại với
mẹ lâu hơn, dường như để học kỹ thuật làm mẹ sau này - những bà mẹ chuyên nuôi con một mình.
8. Chim niệc - đẹp mà hôi
Niệc mào đỏ (còn gọi là phượng hoàng đất) là loài chim sống ở đảo Sulawesi thuộc Indonesia, thường tìm những hốc cây, tự “cải tạo lại” thành chiếc tổ của riêng mình. Trứng của chúng được một loài thằn lằn núi rất thích ăn, nên niệc phải đề phòng bằng cách chèn lối vào tổ sao cho thật hẹp, dùng phân của chúng trát lại làm chất kết dính khá chắc chắn. Niệc cái ở lỳ trong tổ ấp trứng suốt hai tháng trời, dù bị cơn đói hành hạ cũng không nhúc nhích. Trông đẹp thì đẹp thật nhưng mùi niệc hôi hám đến mức không thể chịu nổi vì cách ăn ở mất vệ sinh như thế.
9. Voi biển (hải tượng)
Nần nẫn những lớp mỡ dày dưới làn da trơn nhẫy, voi biển cái nặng đến 700 – 800kg. Thế nhưng nó vẫn “bé xíu” so với voi biển đực, to gấp 4 lần… vợ (chàng khổng lồ này lại thích mò về thành phố làng mạc có người ở khi lang bạt). Khi bắt đầu mang bầu, voi biển cái to lên từng ngày trong suốt 11 tháng liền để dự trữ mỡ và chuyển hoá thành sữa nuôi con sau này. Vậy mà sau khi sinh, vất vả vì chuyện con cái, voi biển mẹ giảm đi cỡ 300kg trong vòng một tháng.
10. Bạch tuộc
Sắp sửa có con, bạch tuộc cái dọn hang ổ thật kỹ càng đến sạch bóng rồi đẻ vào đó 50.000 chiếc trứng tròn vo. Phải mất 80 ngày, đám trứng mới nở ra một đàn bạch tuộc con lúc nhúc. Bạch tuộc mẹ ở ngay bên cạnh lũ con mới nở, bảo vệ chúng khỏi bọn cá lảng vảng đến gần để nhăm nhe ăn thịt. Nó dùng vòi làm xáo trộn cả vùng nước để đưa oxy đến cho con thở. Nó cũng không quên kiếm một cái gì đó để ăn cho chính mình. Tám chiếc vòi linh hoạt ấy, ngoài việc làm vũ khí bảo vệ “sắp nhỏ”, khi có cơ hội lại vươn ra bắt mồi.