Thursday, 2024-03-28, 4:31 PM

Welcome Guest | RSS

Main » 2009 » December » 17 » Tầm nhìn kỹ thuật số
12:23 PM
Tầm nhìn kỹ thuật số

Buổi triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số ‘Art Show’ vào ngày 23/10/2009 tại Cage Bar thực sự là một đêm ngoạn mục và khiến ta tự hỏi tại sao mình vẫn đang dùng laptop chỉ để gởi email và dàn trang tập tin trong khi có nhiều thứ thú vị hơn nhiều mà ta chưa biết đến. Các tác phẩm trưng bày của 11 họa sĩ kỹ thuật số đã đem đến cho buổi triển lãm một bộ sưu tập nghệ thuật được thiết kế bằng công nghệ kỹ thuật số độc đáo hòa cùng nhịp điệu sôi động và náo nhiệt của âm nhạc qua sự trình diễn của DJ Drew và VJ Paki, khiến ta có cảm giác như đang hấp thụ nghệ thuật ở trong một không gian siêu thực ngoài sức tưởng tượng của mình.
Nhà tổ chức của ‘Art Show’ là chị Nguyen Que Huong, vốn là một họa sĩ kỹ thuật số nhiều kinh nghiệm và hiện đang giữ vị trí visualizer tại Saatchi & Saatchi. Theo chị thì 11 họa sĩ góp mặt tại triển lãm lần này không chỉ là những đứa trẻ ngồi nhà nghịch Photoshop. Trái lại họ là những chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi với các vị trí trải rộng từ concept artist cho đến freelance illustrator và đã có những thành công nhất định trong ngành quảng cáo tại Việt Nam. AnyArena đã có cơ hội trò chuyện cùng 4 trong số 11 họa sĩ đầy tài năng của triển lãm ‘Art Show’ để nghe họ chia sẻ về thực tiễn cuộc sống và cảm hứng nghệ thuật của mình.

Nguyễn Quang Nhựt (Yooyie) là một freelance concept artist đang tạo nên những bước đột phá trong
lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số tại Việt Nam qua nhiều nguồn cảm hứng như một que kem tan chảy cho đến các geisha Nhật. Anh sẽ chia sẻ về một thực tế khác mà anh tìm thấy qua các tác phẩm nghệ thuật của mình.




Ấn tượng đầu tiên của anh về một tác phẩm nghệ thuật là gì?
Đó là một tác phẩm của Natalie Shau với một cô bé đang cầm cây kem tan chảy trên bộ váy ba lê hồng tương phản với phông nền xanh lam. Tôi thực sự rất ấn tượng với bức tranh ấy và phong cách đó đã ảnh hưởng khá lớn đến nhiều tác phẩm của tôi sau này, nhất là trong cách pha màu, tôi đặc biệt thích dùng màu hồng và xanh lam khi sáng tác.

Các tác phẩm của anh trông có vẻ siêu thực, đôi khi không thể nhận thấy ranh giới giữa thực tế và ảo tưởng. Vậy điều gì đã tạo nên nguồn cảm hứng để anh theo đuổi trường phái này?

Với tư cách họa sĩ, tôi thấy thực tại cuộc sống khá trần trụi và đó là lý do tại sao người ta hay mơ về một thế giới hoàn mỹ hơn để trốn thoát thực tế. Khi tôi nghĩ về nghệ thuật, tôi luôn mơ về một điều gì đó thật khác biệt và ấn tượng, do đó trường phái fantasy mà tôi đang theo đuổi là hoàn toàn phù hợp. Chủ nghĩa siêu thực, trường phái fantasy và
phương pháp ẩn dụ giúp người ta dễ chấp nhận một điều gì đó mà tôi muốn truyền tải hơn.

Nhân vật hoạt hình hay cổ tích mà anh đặc biệt yêu thích là ai?

Tôi rất ngưỡng mộ nhân vật Belle trong phim "Người đẹp và quái vật”. Cô bé khác tất cả các nhân vật khác của Walt Disney ở chỗ cô chỉ là một cô gái bình thường xuất thân trong một gia đình bình thường nhưng lại có ý chí và nội lực rất cao để làm những việc mình muốn mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Tôi thấy nhân vật đó phần nào phản ánh đúng tính cách của tôi và đó là một trong những lý do khiến tôi thích Belle nhiều như thế.



Phần lớn các nhân vật trong tác phẩm của anh trông rất giống búp bê. Tại sao anh lại thích thể hiện nhân vật của mình theo phong cách ấy?

Cảm hứng của tôi phần lớn đến từ các nhân vật geisha trong kịch Nô của Nhật. Có thể nhiều người cho rằng gương mặt của các diễn viên kịch Nô sau lớp phấn dày trông thật lạnh lùng và vô cảm. Tôi muốn thay đổi quan niệm ấy vì tôi cho rằng đó chỉ là một lớp mặt nạ để che giấu một tâm hồn đẹp và những cảm xúc phức tạp của nhân vật mà thôi. Do vậy tôi đã quyết định thiết kế các nhân vật của mình trông như những con búp bê có hồn, có suy nghĩ và biết diễn đạt cảm xúc.

Anh nghĩ gì về ngành nghệ thuật của Việt Nam tại thời điểm này, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số?
Nó đang phát triển rất nhanh và tôi rất lạc quan về tương lai của nó. Ta đã có hai cuộc thi-triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số UNREAL 99%, hiện tại thì có vô số các trung tâm và các trường đại học cung cấp các khóa học về thiết kế đồ họa và nghệ thuật kỹ thuật số, rất nhiều họa sĩ đang làm việc trong ngành công nghiệp game, và các nhà tuyển dụng thực sự đánh giá rất cao những bản sơ yếu lý lịch có background về nghệ thuật kỹ thuật số.
  ..........................................................................................................................................................................
Moonyk Bích Khoa (Moonyk)
Moonyk Bích Khoa (Moonyk) là freelance illustrator và là quán quân của giải UNREAL 99% hạng mục digital painting năm vừa rồi. Các tác phẩm của cô có thể được sáng tác bằng công nghệ tiên tiến nhất nhưng cảm hứng cho các tác phẩm ấy và cách thể hiện của cô lại không theo bất kỳ một trào lưu thời thượng nào. Cô rất hào hứng khi được chia sẻ thêm về cách tiềm thức hoạt động trong các tác phẩm của mình.



Chị bắt đầu vẽ từ khi nào?

Tôi nghĩ tôi bắt đầu vẽ phác thảo trên giấy khi tôi còn học tiểu học. Sau đó khi làm việc cho báo Nhi Đồng thì tôi mới bắy đầu sử dụng các phần mềm máy tính. Ngoài các khóa đào tạo mà tôi theo học thì chủ yếu tôi dành thời gian để tự trau dồi thêm kỹ năng thiết kế qua các phần mềm hướng dẫn trên Internet.

Rất nhiều những tác phẩm của chị có các nhân vật được thiết kế theo phong cách manga Nhật, có phải phong cách nghệ thuật từ Nhật Bản này là nguồn cảm hứng chính của chị không?
Cảm hứng của tôi hầu hết đều đến từ phong cách của các họa sĩ cổ như Alphonse Mucha và Klimt, bên cạnh đó cũng có từ một số họa sĩ manga Nhật Bản như Amano Yoshitaka chẳng hạn.

Chị thường mất bao lâu để hoàn thành một tác phẩm?

Điều đó còn tùy thuộc vào độ phức tạp của nó. Nếu tôi rất tập trung thì chỉ mất khoảng hai ngày, nhưng thường thường thì khoảng một tuần tôi mới hòan chỉnh tác phẩm của mình.


Trong các sáng tác của chị thì chủ đề bị sập bẫy và sự lừa dối rất hay xuất hiện, có thông điệp gì chị muốn truyền tải đến người xem qua chủ đề đó không?

Có thể bản thân tôi cũng đang trong tình trạng đó. Có thể tiềm thức của tôi đang thúc đẩy tôi thể hiện điều đó. Tôi cảm thấy khá hơn và thoải mái hơn khi vẽ một bức tranh vì tôi không thể nào hiểu hết được tại sao và phải làm thế nào để có được tự do, vẽ là một cách để đi tìm sự tự do đó.

Chị có gởi gắm vào các nhân vật nữ trong các tác phẩm của mình một nét tính cách nào đấy của bạn không?
Có chứ, điều này cũng giống như khi viết một tác phẩm thì nhà văn thường hay thể hiện tính cách và suy nghĩ của mình ở một số tình tiết nhất định, họa sĩ và tranh của họ cũng tương tự như thế mà thôi. 

..........................................................................................................................................................................

Phạm Bá Thành Đạt (Judaz) là flash developer kiêm designer, người đã khiến toán học trở nên cực kỳ thú vị qua nghệ thuật Fractal của anh. Anh sẽ chia sẻ đôi chút về nghệ sĩ yêu thích của mình và lý do tại sao anh không bao giờ làm việc trên canvas.


Nghệ thuật Fractal là một phong cách nghệ thuật rất phổ biến có từ những năm 90 trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Anh có thể giải thích thêm về phong cách này không?


Nếu giải thích rõ ràng thì cũng khá phức tạp vì thật ra nó không phải là một phong cách phổ biến lắm, không ai ở đây có thể thực sự nói chính xác về nó. Nhưng nhìn chung thì nó thuần về toán học, tôi dùng các phần mềm vi tính để tạo ra các công thức riêng để giúp tôi sáng tác các tác phẩm fractal.

Phần lớn các tác phẩm của anh bắt nguồn từ những gì bạn dự tính trước hay là do cảm hứng bất chợt?

Nó giống như việc ta đi nhặt vỏ ốc trên bãi biển vậy, khi bạn nhặt đủ số thì bạn cất chúng lại cùng nhau, song lúc đầu thì bạn phải nhặt nhạnh từng cái một.

Anh chịu ảnh hưởng từ họa sĩ nào nhiều nhất?
Tôi nghĩ là từ Nicholas Rouguex, anh ta là một họa sĩ fractal rất tài năng đến từ Mỹ.


Anh đã từng vẽ trên giấy hay canvas chưa?

Chưa. Trường phái này hoàn toàn là về các công thức toán học. Tôi cũng không vẽ sơn dầu bao giờ.

Anh có nghĩ là công nghệ đã có những ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật không?

Chắc chắn rồi. Bản thân tôi cũng là một họa sĩ kỹ thuật số. Có thể ta không thể nhận xét một cách bao quát nhưng chính nhờ sự phát triển của công nghệ mà ta có nhiều ý tưởng và làm được nhiều thứ hơn.

..........................................................................................................................................................................

Công việc chính của Hoàng Nam Việt (Nhp2003) là visualizer tại Saatchi & Saatchi song bên cạnh đó, anh luôn dành
hầu hết thời gian rỗi để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc pha trộn giữa thực tế và ảo tưởng. Anh sẽ chia sẻ suy nghĩ về luật kiểm duyệt tại Việt Nam và các kế hoạch du lịch trong tương lai của mình.
 

Anh sẽ dùng 3 từ gì để miêu tả công việc của mình?

Bận rộn, căng thẳng, thú vị.

Phong cách nghệ thuật của anh chứa đựng rất nhiều yếu tố fantasy. Anh có nghĩ phong cách này sẽ được khán giả hưởng ứng không? 
Phong cách của tôi thật ra là một sự kết hợp giữa chủ nghĩa siêu thực và trường phái fantasy. Khi tôi tạo ra một tác phẩm, trước hết là cho chính bản thân tôi, sau đó là cho bạn bè và đồng nghiệp – những người hiểu tôi và biết đánh giá tác phẩm của tôi, rồi mới đến thị hiếu khán giả.



SMột vài tác phẩm của anh có đề cập đến chủ đề khỏa thân. Đây có phải là một vấn đề khá nhạy cảm liên quan đến luật kiểm duyệt của Việt Nam không?

Hoàn toàn không có vấn đề gì. Luật kiểm duyệt là luôn cần thiết vì dù sao đây vẫn là một nước phương Đông. Nghệ thuật khỏa thân đòi hỏi rất nhiều yếu tố chẳng hạn như ánh sáng, bố cục, ý tưởng và các góc độ vẽ khác nhau. Nó khơi gợi vẻ đẹp tự nhiên chứ không nhằm mục đích khiêu dâm. Với những luật lệ và hạn chế của luật kiểm duyệt, những giá trị
truyền thống vẫn được giữ vững trong khi sự sáng tạo vẫn có đất phát triển.

Mọi người có thể mong chờ điều gì từ anh trong tương lai?

Tôi muốn đi du lịch khắp Việt Nam và vòng quanh Châu Á khi đã dành dụm một khoản tiền vừa đủ. Và khi đi đến một địa điểm nào đó thì tôi muốn lưu lại khoảng vài tháng để hiểu rõ hơn về phong tục tập quán cũng như bản sắc văn hóa riêng của dân địa phương chứ không đơn thuần chỉ là một khách du lịch tham quan trong một hai ngày ngắn ngủi. Có thể cảm hứng sáng tác sẽ đến trong thời gian đó và tôi có thể tạo ra một tác phẩm đăc biệt mới lạ. Sau chuyến đi, tôi sẽ suy nghĩ về việc mở một triển lãm riêng của mình.

Sưu tầm

Category: Image | Views: 580 | Added by: Rose | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Name *:
Email *:
Code *: